VÀNG HAY BÙN THỨ NÀO CÓ GIÁ TRỊ HƠN?
thanhtinh
22/09/2020
4,145 lượt xem
1. Vàng hay bùn, thứ nào giá trị hơn?
Một cao tăng hỏi: Anh cho rằng một hạt vàng và một đống bùn, thứ gì tốt hơn?
Người cầu đạo đáp: “Tất nhiên là vàng rồi!”
Vị cao tăng mỉm cười, nói tiếp: “Vậy nếu anh là một hạt giống thì sao?”
Lời bình: Trên thế giới này không có cái gì là xấu, tốt tuyệt đối. Chỉ cần phù hợp với bạn sẽ là tốt.
2. Gạo vẫn là gạo
Một thanh niên thỉnh giáo vị đạo sĩ: “Sư phụ, có người nói con là thiên tài, cũng có người mắng con là ngốc nghếch, ý kiến của thầy thế nào ạ?”
“Vậy con đánh giá mình thế nào?” – vị đạo sĩ hỏi lại.
Người thanh niên nọ vẻ mặt ngơ ngác.
“Ví dụ một cân gạo, trong mắt người làm bánh thì nó là bánh nướng, trong mắt người nấu rượu thì nó là rượu, trong mắt người ăn xin thì đó là một bữa cơm cứu mạng. Còn gạo thì vẫn là gạo mà thôi.”
Đạo sĩ nói đến đây, người thanh niên mới như vỡ ra nhiều điều.
Lời bình: Cách bạn đánh giá bản thân mình có vai trò quyết định đến giá trị của chính bạn.
3. Một cốc nước và một hồ nước
Đạo trưởng có một đệ tử thường hay oán than. Một hôm, ông bỏ muối vào một cốc nước và bảo người đó uống.
Đệ tử nói: “Mặn đến phát đắng.”
Vị đạo trưởng tiếp tục bỏ nhiều muối hơi vào hồ nước và bảo đệ tử thử lại. Sau khi uống xong, người này nói: “Nước rất tinh khiết và ngọt”.
Lúc này, vị đạo trưởng mới nói: “Đời người, đau khổ chính là muối, vị mặn ngọt của nó được quyết định bởi thứ vật dụng chứa nó.”
Lời bình: Những người thường hay ca thán, oán trách thế giới, hãy xem lại liệu có phải trái tim của mình quá hẹp hòi?
4. Bọ cạp và thiền sư
Một vị thiền sư nhìn thấy một con bọ cạp rơi xuống nước, ông quyết định sẽ cứu nó. Ai ngờ vừa chạm vào, thiền sư đã bị con vật kẹp vào tay.
Thiền sư không vì sợ hãi mà từ bỏ ý định, tiếp tục đưa tay ra vớt con bọ cạp lên nhưng ông vẫn bị tấn công.
Thấy vậy, một người đứng cạnh mới hỏi: “Nó đã kẹp vào tay ông như vậy, sao ông còn cố cứu nó?”
“Kẹp người là thiên tính của bọ cạp còn thiện là thiên tính của tôi. Tôi nào có thể vì thiên tính của nó mà từ bỏ thiên tính của mình.” – thiền sư đáp.
Lời bình: Thà chấp nhận thiệt thòi đau khổ chứ không thể dễ dàng thay đổi sự lương thiện trong nội tâm. Đây chính là cái gọi là từ bi bác ái của vị thiền sư.
Nguồn: Nguồn: Sưu tầm
Bình luận