Tất Cả Các Lý Do Khiến Bạn Hay Trì Hoãn Công Việc Và Mẹo Để Loại Bỏ Nó
thanhtinh
31/08/2019
2,640 lượt xem
Trì hoãn dường như là "một thói quen", là "căn bệnh thế kỉ" mà nhiều người trong số chúng ta thường hay mắc phải. Vậy nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này là gì?
Trì hoãn, có thể được biết đến như “nghệ thuật” của việc để lại những gì bản thân có thể làm hôm nay sang ngày mai. Và tất nhiên, ít nhiều mọi người đều mắc phải lỗi lầm này. Câu hỏi thật sự được đặt ra là vì sao bạn lại trì hoãn? Đã có rất nhiều lý giải cho chuyện này. Có thể do khối lượng công việc quá lớn và bạn không thể giải quyết trong một ngày, hoặc do công việc quá thử thách và bạn cần nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về nó. Tuy nhiên, nếu bạn xác định được nguyên nhân đằng sau việc trì hoãn của bản thân thì bạn hoàn toàn có thể loại bỏ được thói quen tiêu cực này đấy. Hãy cùng tìm hiểu các lý do khiến bạn cứ trì hoãn công việc của mình nhé!
1. Bạn không thích công việc đó
Trẻ con chắc chắn không thích việc dọn dẹp đồ và đôi khi người lớn cũng vậy. Tuy nhiên, trong thực tế, việc dọn dẹp lại không bị trì hoãn nhiều bằng các công việc quan trọng khác của bạn. Có thể lý do bắt nguồn từ việc bạn không thích công việc hiện tại đấy! Ai cũng đôi khi gặp phải những trách nhiệm mà mình không hề muốn gánh vác. Lúc đó, để đối phó, nhiều người sẽ bắt đầu trì hoãn và bỏ xó những công việc được giao. Tất nhiên, giải pháp tốt nhất vẫn là giải quyết các công việc ngay từ đầu, nhưng họ lại không muốn làm vậy.
Vậy, khi gặp tình huống này, cách tốt nhất là bạn hãy tự tạo ra niềm vui để hoàn thành các công việc mà bạn không thích. Bạn có thể biến các công việc thành một trò chơi, tích lũy điểm khi bạn hoàn thành chúng và tự thưởng cho bản thân khi toàn bộ công việc đã được thực hiện tốt. Hoặc, khi đang thực hiện những công việc này, bạn hãy mở tí nhạc để giúp tinh thần phấn chấn hơn. Cuối cùng, hãy tự chất vấn bản thân về mức độ quan trọng của công việc hiện tại. Bạn có thể hủy bỏ nó hay nhờ người khác giúp bạn hay không? Thỉnh thoảng, trao đổi công việc qua lại sẽ giúp ích đấy.
2. Bạn cảm thấy bị "Ngộp"
Có 2 tình huống có thể xảy ra khi bạn rơi vào cảm giác này. Một là khối lượng công việc quá lớn và bạn không biết phải hoàn thành nó như thế nào, hai là các công việc này đang ở trong tình trạng gấp rút nên bạn không biết phải bắt đầu từ đâu.
Khi ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học sinh thường rơi vào tình trạng này. Các bài tiểu luận hay kiểm tra các môn thường có hạn chót trong cùng một thời điểm. Khi đó, thay vì bắt tay vào giải quyết bài vở dần dần, họ lại dành thời gian than thở về việc sao giáo viên lại giao nhiều bài tập như thế.
Thực ra, giải pháp cho vấn đề này cũng khá đơn giản. Bạn hãy chia nhỏ công việc ra và đánh số thứ tự ưu tiên cho chúng. Hãy lập thành một danh sách để tiện theo dõi cũng như gạch chéo những việc bạn đã hoàn thành xong. Cảm giác khi bạn đang hoàn thành gần hết các công việc cần làm sẽ là động lực để bạn không trì hoãn nữa.
3. Bạn dễ bị mất tập trung
Facebook, tin nhắn từ bạn bè, email từ khách hàng, đợt giảm giá ở cửa hàng quần áo bạn yêu thích hay âm thanh của những bữa tiệc, tất cả đều “mời gọi” bạn và khiến bạn không thể tập trung được. Điều này thường xuyên xảy ra, nhưng chúng sẽ phát triển thành một vấn đề lớn thực sự nếu bạn cứ thấy thế giới ngoài kia hấp dẫn hơn và bạn luôn trốn tránh công việc để khám phá nó.
Vậy nên, giải pháp duy nhất bạn cần làm là loại bỏ những thứ gây xao nhãng đi. Hãy tắt điện thoại, tắt TV và kiếm một công cụ để ngăn bạn không tiếp cận được với mạng xã hội trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ khi bạn xác định được bạn bị xao lãng bởi điều gì thì bạn mới có thể loại bỏ chúng để trở về với công việc. Cũng như chỉ có bản thân bạn mới có thể tự tách biệt mình khỏi những cuộc vui và quay lại với các trách nhiệm được giao.
Mất cân bằng hormone là tình trạng thường gặp và có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sắc đẹp của phụ nữ. Vậy dấu hiệu của tình trạng này là gì và...
4. Trì hoãn xảy ra tại một số thời điểm trong ngày
Ai cũng có một “đồng hồ sinh học” riêng nên sẽ có lúc bạn rơi vào trạng thái bão hòa, không có đủ năng suất cũng như khí thế để làm việc. Và trì hoãn xảy ra ở những thời điểm này là hoàn toàn bình thường.
Vì vậy, rất khó để tìm được biện pháp hoàn hảo giúp ngăn cản loại trì hoãn này. Thay vào đó, bạn có thể tìm các công việc khiến bạn cảm thấy vui để thực hiện trong giai đoạn “bão hòa” của cơ thể.
5. Bạn làm việc tốt hơn khi bị áp lực
Trong thực tế, có những người chỉ làm việc tốt khi họ gặp nhiều áp lực. Do đó, sự trì hoãn của họ đóng vai trò như một yếu tố kích thích năng suất vậy. Nếu bạn nằm trong số những người như vậy và sở hữu khả năng “chạy deadline” khá tốt thì bạn có thể giữ lại thói quen này đấy!
6. Bạn không biết xếp thứ tự ưu tiên của mình
Khi ai đó không biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên và phân loại chúng theo mức độ quan trọng, họ thường nhảy việc một cách rất lộn xộn cũng như trì hoãn nó, vì họ không biết phải tập trung vào công việc nào trước cả.
Vì thế, hãy tập đánh số thứ tự cho các công việc của bạn. Đừng vội hoàn thành công việc tiếp theo khi việc trước đó còn chưa xong. Ngoài ra, bạn nên thiết lập thời gian hợp lý dành cho mỗi loại công việc nữa. Sau khoảng thời gian đó, hãy kiểm tra lại tiến độ thực hiện công việc của mình. Nếu bạn đang làm tốt, hãy nghỉ ngơi một tí và khen thưởng bản thân để tạo thêm động lực nhé!
7. Bạn muốn kiểm soát mọi thứ
Nếu bạn ngưng lại mọi thứ nghĩa là mọi việc sẽ không thể đi chệch hướng được đúng không? Khi trì hoãn, công việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bạn và khiến bạn cảm thấy yên tâm. Tuy nhiên, điều này rõ ràng cũng đồng nghĩa với công việc chưa thể hoàn thành. Thật không may là bạn không thể nào trì hoãn được mãi.
8. Bạn xem mỗi công việc giống như một dự án lớn
Thật lòng mà nói, hầu như mọi thứ chúng ta làm đều có thể được chia thành từng phần nhỏ để dễ dàng kiểm soát. Ví dụ hãy xét lại việc giặt quần áo mà tôi đã đề cập ở trên. Nếu việc giặt quần áo có vẻ là một công việc gây nản lòng thì hãy chia nó ra thành từng bước. Gom hết quần áo dơ lại. Phân loại đồ màu và đồ trắng. Bỏ vào máy giặt. Phơi khô. Gấp chúng lại. Hiển nhiên, việc giặt quần áo là một ví dụ đơn giản, nhưng điều này có thể áp dụng vào một số trường hợp khác. Bằng cách chia nhỏ từng phần ra, bạn sẽ thấy mọi việc dễ dàng để hoàn thành hơn nhiều.
9. Bạn là người theo chủ nghĩa hoàn hảo
Đôi khi chúng ta thường thích cầu toàn. Thế nhưng, điều này sẽ dẫn đến việc nhiều vấn đề bị trì hoãn hoặc rời bỏ nhiều thứ chỉ bởi bạn lo ngại một kết quả không đạt đến mức hoàn hảo. Hãy nhớ rằng thực tế không có gì đáng lo ngại nếu mọi thứ không diễn ra chính xác như bạn dự tính. Hơn nữa, một công việc được hoàn tất, dù không hoàn hảo thì vẫn tốt hơn một công việc bị bỏ dở chưa hoàn thành giữa chừng.
10. Bạn lo sợ thất bại
Nỗi sợ thất bại luôn lôi kéo bạn trì hoãn công việc. Dĩ nhiên, bạn sẽ không thể nào thất bại khi mà chưa hề bắt tay vào thực hiện nó. Thật không may mắn, lối suy nghĩ này sẽ làm giảm hiệu quả làm việc đi rất nhiều. Đối mặt với nỗi sợ thất bại sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ đó hoặc giúp bạn học cách chế ngự nó. Vậy nên, lần tới khi nghĩ đến việc trì hoãn một công việc chỉ vì sợ thất bại thì hãy dẹp ngay ý nghĩ đó đi nhé. Vượt qua nó, bạn sẽ trưởng thành hơn với những kinh nghiệm có được.
11. Bạn không có khả năng tự chủ tốt
Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng tự chủ khác nhau. Thế nhưng, bạn cần đạt được một mức độ tự chủ nhất định để làm việc có hiệu quả. Căn bệnh trì hoãn sẽ dễ dàng tìm đến những người thiếu kỷ luật, không hoàn thành công việc đúng thời hạn và làm việc thiếu tổ chức đó.
12. Bạn không lên danh sách những việc cần làm
Thi thoảng, trì hoãn là một hệ quả của việc bỏ dở giữa chừng. Nếu tạm gác việc gì đó sang một bên và quên ghi chú lại rất có khả năng bạn sẽ hoàn toàn quên khuấy đi mất. Nếu bạn là một người hay quên, hãy lên một danh sách các việc cần làm, ghi vào đó tất cả các nhiệm vụ và chỉ gạch đi khi đã hoàn tất 100% thôi nhé.
13. Bạn ước định thấp về thời gian cam kết
Chắc chắn sẽ cực kỳ nản khi bạn phải mất đến hai tuần để hoàn thành một dự án mà bạn nghĩ chỉ tốn một tuần phải không? Thường xuyên ước lượng sai thời hạn dễ dẫn đến việc trì hoãn nhiều hơn, bạn sẽ có xu hướng trì hoãn khi nghĩ mình còn thời gian hoàn thành. Nhưng khi nhận ra mình không có nhiều thời gian như dự tính, bạn có thể phải bước vào một "cuộc đua gian khổ" thực sự để hoàn thành công việc.
14. Bạn có năng lực
Trì hoãn một công việc không phải lúc nào cũng tệ. Nhiều người thường làm việc tốt và hiệu quả hơn khi có áp lực, trong khi một số người khác chỉ đơn thuần là gặp may mà thôi. Tuy nhiên, xét cho cùng đến một lúc nào đó việc trì hoãn sẽ không diễn ra suôn sẻ đến thế. Hãy lưu tâm đến chất lượng công việc và chắc chắn rằng không để lộ ra dấu vết của những phút chạy nước rút bởi đó sẽ là điểm trừ vô cùng lớn.
15. Bạn lười biếng
Lười biếng là nguyên nhân số một khiến hầu hết chúng ta trì hoãn. Chúng ta cảm thấy không có hứng thú làm việc gì cả và... không làm gì cả. Tuy nhiên, lười biếng không phải lúc nào cũng xấu bởi nó giúp bạn nạp lại năng lượng một chút. Lâu lâu bạn có thể lười biếng nằm xem show truyền hình mà không đi quét nhà cũng không sao. Chỉ là đừng để hành động đó trở thành thói quen xấu của bạn.
16. Bạn mắc chứng trì hoãn kéo dài
Nếu bạn bắt gặp mình trong các tình huống trên thì bạn không hẳn là một người trì hoãn “kinh niên” đâu. Tuy nhiên, nếu hầu hết thời gian bạn đều phải trì hoãn công việc, hoặc trong mọi trường hợp bạn không thể hoàn thành các trách nhiệm được giao thì khả năng cao là còn lý do khác khiến bạn có thói quen này. Một trong số chúng có thể bắt nguồn từ trầm cảm nhẹ. Những lý do sức khỏe như thiếu ngủ thường xuyên, ăn uống thất thường cũng có thể khiến bạn cứ muốn né tránh công việc của mình. Khi đó, hãy gặp bác sĩ để kiểm tra hoặc chỉnh đốn lại sức khỏe của bản thân, bạn nhé!
Nguồn: tổng hợp
Bình luận