Nguồn gốc, Ý nghĩa của Ngày TẾT Việt Nam

Nguồn gốc, Ý nghĩa của Ngày TẾT Việt Nam

7,296 lượt xem

Nguồn Gốc của ngày tết Việt Nam

Tết Nguyên Đán của Việt Nam (hay còn gọi là Tết Cả,Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Việt Nam hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa. Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như Tết Táo Quân (23 tháng chạp âm lịch) và Tất Niên (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch). Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cùng tổ tiên... Theo phong tục tập quán.

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày tết Việt Nam

Nguyên nghĩa của Tết chính là "tiết". Văn hóa Việt – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thời") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.

Nguyên: có nghĩa là Khởi Đầu
Đán : có nghĩa là Trọn Vẹn

Nguyên Đán: có nghĩa là sự Khởi Đầu Trọn Vẹn.

Tết Nguyên Đán là lễ tết đầu tiên của một năm. Tết được bắt đầu từ lúc giao thừa cùng với lễ trừ tịch. Theo chữ Hán Nôm, Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu đầu năm, mở đầu cho mọi công ăn việc làm với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.
Năm mới đến, những sự may mắn mới đến, và bao nhiêu điều lo âu phiền toái của năm cũ đều theo năm cũ mà đi hết.

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày tết khác nhau.

Đời nhà Đông Chu, Khổng Phu Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Cho đến khi nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.


Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy tháng giêng (8 ngày).

Ngoài ra, người ta thường nói "20 Tết", "15 Tết"... đây chỉ là nói những ngày ảnh hưởng do những công việc để chuẩn bị đón Tết hay dư âm còn lại của những ngày Tết.

Ngày nay, cùng với người Hoa, người Việt, các dân tộc khác chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa như Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng, Nepal, Bhutan, H'mông Trung Quốc cũng tổ chức Tết âm lịch và nghỉ lễ chính thức. Trước đây Nhật Bản cũng cử hành Tết âm lịch, nhưng từ năm Minh Trị thứ 6 (1873) họ đã chuyển sang dùng dương lịch cho các ngày lễ tương ứng trong âm lịch.

Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán


Ý nghĩa ngày Tết Việt Nam

Ngày Tết là dịp để mọi người hân hoan chúc cho nhau những điều tốt lành nhất cho năm mới và bỏ qua hết những xích mích đã làm mất lòng nhau trong năm cũ. Ai ai cũng đều tay bắt mặt mừng và dành nhiều thì giờ đến thăm họ hàng, bạn bè, và bà con lối xóm. Ngày Tết còn là ngày khởi đầu cho một hy vọng mới, một cố gắng mới, và một cuộc đời mới trong tương lai.

Ngày Tết cũng là ngày đoàn tụ. Người đi làm ăn xa xôi đến mấy cũng cố trở về quê, tức là nơi mình được sinh ra hay quê quán của cha mẹ, để ăn Tết và cúng tổ tiên cùng mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, và bà con lối xóm. Mọi người đều nghỉ ngơi và ăn chơi cho bỏ những ngày làm lụng vất vả.

Người Việt ta có thói quen là quanh năm chăm chỉ làm ăn. Suốt cả năm ở nơi thành thị, đa số những người buôn bán và các công nhân viên ở xưởng máy không có thì giờ nghỉ ngơi. Ở nơi nông thôn đồng ruộng cũng vậy, quanh năm người nông dân cũng không có ngày nào là ngày Chủ Nhật nên mọi người đều mệt mỏi và không có thì giờ để đi thăm họ hàng bà con cùng bằng hữu ở xa được. Chính vì thế mà người Việt ta đã nhờ những ngày Tết để có dịp nghỉ xả hơi và thăm hỏi nhau hầu xiết chặt mối dây tình cảm giữa gia đình, bạn bè, và hàng xóm.

Tết Nguyên Đán, còn gọi Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết, là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết ở chỗ nó là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay đẹp của năm qua nên mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới!

Bài trước
Bài tiếp

Bình luận

Mua sách online siêu khuyến mãi, tại sao không?

Là đối tác chiến lượt với các kho sách online, chúng tôi xin chia sẻ tới các bạn mã giảm giá tới 70% khi mua online.