Câu chuyện "Người gánh nước và cái bình nứt": Bí quyết nuôi dạy con cái cho các bậc cha mẹ đừng bao giờ coi nhẹ bản thân ngay cả khi bạn không hoàn hảo

Câu chuyện "Người gánh nước và cái bình nứt": Bí quyết nuôi dạy con cái cho các bậc cha mẹ đừng bao giờ coi nhẹ bản thân ngay cả khi bạn không hoàn hảo

6,012 lượt xem

Mỗi người đều có những “vết nứt” rất riêng biệt, mỗi người là một chiếc bình nứt. Công việc của chúng ta, những người làm cha làm mẹ không phải là chỉ trích vết nứt của con, cũng không phải chỉ trích vết nứt của chính mình. Hãy gieo những hạt hoa tương ứng với vết nứt ấy của con, đó mới chính là công việc của cha mẹ.

Chúng ta vẫn thường hay tự an ủi mình mỗi khi cảm thấy bản thân mình không được tốt đẹp hay may mắn như người khác rằng “trên đời không có ai là hoàn hảo cả”. Đúng vậy, dù có là bậc vĩ nhân thì vẫn luôn có những khuyết điểm. Đôi khi những khiếm khuyết hoàn toàn không tệ như chúng ta vẫn nghĩ. Tuy nhiên, nếu biết chấp nhận và tận dụng nó thì bạn hoàn toàn có thể biến những khuyết điểm đó thành thứ có ích. Chuyện về chiếc bình nứt sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều đó.

Ở một ngôi làng nọ, có một người đi gánh nước thuê bằng hai chiếc bình lớn, mỗi chiếc bình được treo ở mỗi đầu của chiếc gậy mà ông gánh trên cổ. Một trong hai chiếc bình đã bị nứt một vết, chiếc còn lại thì hoàn hảo không sứt mẻ gì và luôn đựng được đầy nước sau mỗi chuyến đi bộ dài lấy nước từ suối về đến nhà của người chủ. Chiếc bình nứt khi về đến lại chỉ còn một nửa bình nước.

Bài học ý nghĩa từ người gánh nước và cái bình nứt

Trong suốt hai năm qua, điều này vẫn lặp đi lặp lại mỗi ngày, người mang nước mỗi lần chỉ mang được một bình rưỡi nước về cho chủ nhân của ngôi nhà. Tất nhiên, chiếc bình hoàn hảo rất tự hào vì sự thể hiện của mình, hoàn hảo từ hình dáng cho đến sứ mệnh đựng đầy nước của nó. Chiếc bình nứt còn lại cảm thấy thật hổ thẹn vì sự không hoàn hảo của bản thân, nó đau khổ khi nghĩ rằng nó chỉ thực hiện được một nửa những gì nó phải làm. Sau hai năm, những gì nó nhận thức được chỉ là sự thất bại của bản thân. Một hôm, khi đang lấy nước từ dòng suối, bình nứt liền nói với người gánh nước:

"Tôi cảm thấy xấu hổ vì bản thân mình, và tôi cũng muốn xin lỗi ông rất nhiều".

"Vì sao vậy, sao ngươi phải cảm thấy xấu hổ?" – Người gánh nước hỏi lại.

Chiếc bình liền trả lời: "Trong hai năm qua, tôi chỉ có thể mang được một nửa lượng nước ông lấy từ suối về bởi vết nứt trên thân tôi đã khiến cho nước bị rò rỉ trên đường khi ông gánh đến nhà người chủ. Bởi vì sự không hoàn hảo của tôi, ông đã không nhận được thù lao xứng đáng với những cố gắng nỗ lực ông đã bỏ ra".

Người gánh nước cảm thấy rất buồn và tiếc thay cho chiếc bình nứt cũ này, động lòng trắc ẩn, ông đã nói: "Đợi lát nữa trên đường trở về nhà của chủ nhân, ta muốn ngươi hãy để ý đến những bông hoa xinh đẹp bên đường". Khi người gánh nước gánh hai chiếc bình lên đến đồi, chiếc bình nứt đã nhận thấy rằng ánh mặt trời ấm áp đang chiếu lên những bông hoa dại xinh đẹp ở phía bên của con đường, chính sự xinh đẹp của cuộc sống này đã giúp nó phấn khởi lên một chút. Nhưng đến cuối đường mòn, nó lại cảm thấy thật tồi tệ vì nó đã bị rò rỉ ra một nửa lượng nước, vì vậy một lần nữa nó xin lỗi người gánh nước vì sự thất bại của mình.

Người gánh nước liền nói với nó: "Ngươi có nhận thấy rằng hoa chỉ mọc ở bên đường của ngươi chứ không phải ở phía bên kia của chiếc bình hoàn hảo? Đó là bởi vì ta luôn biết về vết nứt của ngươi, và ta đã tận dụng nó. Ta trồng hạt giống hoa ở bên cạnh con đường phía ngươi, và mỗi ngày trong khi chúng ta đi bộ trở lại từ dòng suối, ngươi đã tưới nước cho những hạt mầm đó đâm nụ nở hoa. Trong hai năm qua, ta đã có thể chọn những bông hoa tuyệt đẹp này để trang trí lên bàn của nhà ông chủ. Hãy cứ là chính mình, hãy sống theo những gì mà ngươi đang có, bởi nếu không có ngươi, ta sẽ không thể mang sự xinh đẹp này đến cho người khác".

Bài học từ Câu chuyện: Người gánh nước và chiếc bình nứt

Mỗi người trong chúng ta đều có những sự không hoàn hảo, thiếu sót của bản thân. Chúng ta đều là những cái bình nứt. Trên thế giới này, không có gì là lãng phí cả. Bạn có thể nghĩ rằng mình giống như cái bình bị nứt, làm việc không hiệu quả hoặc vô ích ở những phạm vi nhất định trong cuộc sống của bạn, nhưng bằng cách này hoặc cách khác, những sai sót này của bạn có thể mang đến những điều tốt đẹp nhưng rất khó để nhận ra cho người khác. Đừng bao giờ coi nhẹ bản thân khi bạn không bằng người khác. Trong cuộc sống, người giỏi hơn bạn có vô vàn, nhưng người kém hơn bạn cũng chẳng phải ít. Một điều bạn cần nhớ chính là bạn là duy nhất trên thế giới này. Vì vậy, hãy luôn tự hào và sống đúng như những gì bạn có. Hãy luôn là chính mình và mang đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho mọi người!

==> Câu chuyện “Chiếc bình nứt” khép lại nhưng nó vẫn còn để lại cho chúng ta thật nhiều suy ngẫm. Những người làm cha làm mẹ không ai hoàn hảo và con cái chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên,  đối diện với những khiếm khuyết của chính mình, mỗi người cần học cách chấp nhận, đồng thời hướng đến những điều tốt đẹp của bản thân. Ai cũng có những khuyết điểm nhưng đằng sau những khuyết điểm ấy, mỗi người vẫn luôn có giá trị riêng. Nếu chúng ta biết cách tận dụng và biến nó thành lợi thế thì con cái chúng ta sẽ thành công hơn trong cuộc sống. Hãy cứ là chính mình, hãy sống theo những gì mà bạn đang có, bởi vì biết đâu đấy, bạn sẽ mang lại những điều tốt đẹp đến cho mọi người.

Bài trước
Bài tiếp

Bình luận

Mua sách online siêu khuyến mãi, tại sao không?

Là đối tác chiến lượt với các kho sách online, chúng tôi xin chia sẻ tới các bạn mã giảm giá tới 70% khi mua online.