Tổng hợp các Bí Quyết Tạo Ghi Chú Hiệu Quả Nhất
thanhtinh
25/08/2019
5,049 lượt xem
Một trong những cách hiệu quả nhất để ghi nhớ (và hiểu) những gì bạn đang học trong lớp là ghi chú hiệu quả trong lớp học.
Có một số kỹ năng ghi chú bạn có thể sử dụng để bắt đầu ghi chú tốt hơn trong lớp học.
Tại sao kỹ năng ghi chú lại quan trọng?
- Ghi chú tốt hơn sẽ giúp bạn nhớ các khái niệm, phát triển các kỹ năng học tập có ý nghĩa và hiểu rõ hơn về một chủ đề. Ghi chú hiệu quả thậm chí sẽ dẫn đến ít căng thẳng hơn khi giờ kiểm tra đến!
- Học cách ghi chép cho việc học tập tốt hơn trong lớp giúp cải thiện việc gợi nhớ và hiểu về những gì bạn đang học vì:
- Đảm bảo bạn đang tích cực lắng nghe những gì giáo viên đang nói
- Yêu cầu bạn suy nghĩ về những gì bạn đang viết
- Giúp bạn tạo sự kết nối giữa các chủ đề
- Dùng như là tài liệu ôn tập chất lượng cho sau giờ học trên lớp
- Sử dụng các chiến lược ghi chú khác nhau là rất quan trọng, đặc biệt khi bạn lên học trường trung học và chuyển tiếp lên cao đẳng hoặc đại học.
Dưới đây là các kỹ năng tạo ghi chú để giúp các emhọc sinh ghi nhớ bài đạt hiệu quả:
1. Chọn từ khóa
Trong một bài đọc, có rất nhiều từ đóng vai trò liên kết và hoàn toàn có thể lược bỏ mà vẫn đầy đủ ý. Ví dụ trong câu sau: “Từ rất lâu, con người đã hiểu "thở" là dấu hiệu của sự sống” có thể ghi thành "thở" - dấu hiệu sự sống, mà vẫn đảm bảo nội dung. Việc chọn ra các từ khóa giúp bạn chọn lọc thông tin ghi nhớ phù hợp với nhu cầu học tập cá nhân và giúp cho việc ghi chép trở nên đơn giản, nhanh chóng.
Hình ảnh minh họa
2. Sử dụng giấy note rời
Nếu bạn muốn bổ sung thông tin hoặc bất chợt có thêm một ý tưởng mới liên quan, hãy ghi nó vào một tờ giấy note và dán ngay vào phần kiến thức đã ghi chú. Việc dùng giấy note còn giúp bạn tránh việc sao nhãng trong lúc đọc bài khi bạn cần ghi chú ngay một mảnh nhỏ thông tin và chưa tiện thời gian sắp xếp nó vào bản ghi hoàn chỉnh. Ngoài ra bạn có thể dùng giấy note này để ghi những thuật ngữ, khái niệm theo hình thức flashcard giúp việc ghi nhớ trở nên tiện lợi hơn.
Hình ảnh minh họa
3. Chọn phương pháp ghi chú thích hợp
Bạn nên tìm hiểu loại hình học tập của mình để tìm phương pháp ghi chú thích hợp nhất. Phương thức hoạt động của bộ não ở mỗi người là khác nhau và do đó hệ thống ghi nhớ cũng khác nhau. Áp dụng những phương pháp mà người khác cho là hiệu quả chưa chắc sẽ mang kết quả tốt cho bạn. Nếu bạn là một visual learners - người học bằng thị giác - bạn nên ghi chú bằng cách vẽ thành hình ảnh. Thay vì học thuộc “ADN là một chuỗi xoắn kép” bạn nên vẽ ra hình ảnh chuỗi xoắn và ghi chú thuật ngữ lên hình ảnh đó. Nếu bạn thấy những hình ảnh quả là rối rắm, thì bạn nên liệt kê thông tin và phân loại theo cách bạn dễ hiểu nhất.
Hiện nay, có khá nhiều phương pháp ghi chú thông minh dễ áp dụng cho người học. Kiểu ghi chú dựa vào cách thức hoạt động của hệ thần kinh, Sơ đồ tư duy hay Mind Map, được sáng tạo bởi Tony Buzan là phương pháp được nhiều người lựa chọn. Việc đặt chủ đề vào trung tâm kết hợp với các nhánh ý chính và các cành ý phụ nhỏ hơn mô phỏng sự liên kết giữa các tế bào thần kinh đã tạo nên một mối liên hệ vững chắc, thống nhất cho nội dung. Một kiểu ghi chú khác được sử dụng từ rất lâu và cũng rất hiệu quả là phương pháp Cornell. Trong phương pháp này, thay vì ghi tràn lan lên trang giấy, người ghi chú sẽ chia nó ra làm ba phần, một phần là để ghi nội dung bài học, phần khác nhỏ hơn nằm kế bên phần nội dung dành để ghi từ khóa hoặc những câu hỏi mà bạn thắc mắc xung quanh vấn đề đã học, phần thứ ba nằm ở cuối trang là để ghi kết luận, tóm tắt. Phương pháp Cornell giúp bạn phân chia bố cục rõ ràng và dễ dàng nhận biết. Bạn có thể kết hợp các phương pháp này với nhau cho những loại hình thông tin khác nhau theo tinh thần sáng tạo của chính bạn.
Hình ảnh minh họa MindMap
4. Chỉ ghi chú khi đã nắm được thông tin
Để bản ghi chú của bạn trọn vẹn và dễ hiểu nhất, bạn nên ghi chú sau khi đã nắm thông tin cần học, nếu không bạn sẽ dễ sa vào tắt nghẽn ý tưởng diễn đạt, dẫn đến việc ghi lan man hoặc viết lại ý tưởng sách giáo khoa, điều này sẽ không có lợi cho việc hấp thụ thông tin. Chỉ khi nào bạn có thể hoàn toàn diễn đạt thông tin theo cách của mình, bạn mới có thể làm chủ nó và khắc sâu vào trí nhớ.
Hình ảnh minh họa
5. Trình bày rõ ràng
Lỗi viết chữ cẩu thả, lộn xộn thường gặp khi bạn nghe giảng và bắt buộc phải ghi chú nhanh. Cách khắc phục lỗi này không gì tốt hơn là tăng cường luyện tập để cải thiện tốc độ và chữ viết. Sắm cho mình một cây bút tốt làm bạn đồng hành và bắt đầu luyện tập. Bạn không nhất thiết phải luyện chữ thật đẹp, nhưng hãy viết sao cho kích thước các con chữ và khoảng cách giữa chúng đều nhau. Nếu bạn chọn ghi chú trên máy tính hay smart phone, đảm bảo sắp xếp các đề mục cũng như trình bày bố cục rõ ràng, căn lề hợp lý.
HÌnh ảnh minh họa
6. Highlight - nhưng không lạm dụng
Dùng bút dạ quang hay loại bút màu mà bạn yêu thích tô sáng từ khóa để giúp nó trở nên nổi bật hơn. Tuy nhiên đừng lạm dụng quá nhiều màu sắc, nó sẽ khiến bài viết trở nên rối mắt và gây khó khăn cho những lần xem lại, lúc đó bạn sẽ không còn nhận biết từ nào là quan trọng.
HÌnh ảnh minh họa
7. Tránh ghi quá nhiều thông tin lên một trang giấy
Ghi nhiều thông tin lên một trang giấy có một số ưu điểm nhất định như hạn chế lượng giấy sử dụng, tiện lợi khi mang đi và tỏ ra hiệu quả khi bạn ôn bài thi khi chỉ cần nhìn vào một trang giấy là mọi thứ đã hiện ra trước mắt. Dĩ nhiên sẽ rất dễ dàng nếu bạn học bài ngay sau khi ghi chú, nhưng nếu thời gian cách đó hai ba tháng bạn sẽ cảm thấy vô cùng rối rắm thậm chí không hiểu nổi mình đã ghi gì. Hãy đảm bảo dành những khoảng trắng đủ rộng, việc này tạo cảm giác thoải mái cũng giống như cảm giác bạn ở trong căn phòng với những vật dụng cần thiết thay vì một căn phòng cùng diện tích với hàng tá đồ vật linh tinh.
Hình ảnh minh họa
8. Tạo niềm vui cho trang ghi chú
Hãy làm cho bản ghi của bạn thật long lanh để kích thích tâm trí mỗi lần học tập. Thêm một chút màu sắc, vẽ những hình ngộ nghĩnh lên phần trang trí và tránh việc vẽ bậy ở phần nội dung. Nếu không có khiếu vẽ vời hoặc cảm thấy tốn thời gian, bạn có thể dùng những hình vẽ hoặc keo in hoa có sẵn trên thị trường. Với một trang giấy note sinh động như vậy, bài học của bạn sẽ không còn nhàm chán nữa.
Hình ảnh minh họa
9. Không ghi chú lại nhiều lần một nội dung
Bạn hoàn tất một bản ghi chú trên lớp, về nhà bạn thấy nó quá xấu và tiếp tục ghi lại, lần sau đọc lại bạn thấy cách diễn tả này chưa tốt và quyết định diễn đạt bằng một cách khác hay hơn. Ghi đi ghi lại nhiều lần không phải là một ý tưởng hữu hiệu, cố gắng hạn chế việc này nhất có thể để tránh lãng phí thời gian, và quan trọng hơn nó có thể khiến bạn cảm thấy đang học một lượng kiến thức hoàn toàn mới. Rõ ràng, ôn đi ôn lại sẽ tốt hơn là ghi chú nhiều, trừ phi bạn có khả năng học tập trong lúc ghi chú.
Hình ảnh minh họa
10. Sắp xếp ghi chú gọn gàng
Thêm đề mục cho các tờ ghi chú và có một trang giấy ghi mục lục như là bảng chỉ dẫn, dùng giấy màu đánh dấu các phần thông tin khác nhau. Việc này có thể tốn thêm một ít thời gian nhưng sẽ tiện lợi hơn khi tra cứu.
Hình ảnh minh họa
11. Dành thời gian ôn tập lại
Ôn lại kiến thức sau khi ghi chú rất hiệu quả trong việc đưa thông tin vào trí nhớ dài hạn của bạn. Không nên ôn lại một cách liên tục mà hãy cách nhau một khoảng thời gian nhất định, một lần một tuần hoặc nhiều hơn nếu bạn sắp bước vào kỳ thi.
Có mục tiêu học tập, sử dụng đúng phương pháp cộng thêm tính sáng tạo sẽ giúp bạn ghi chú hiệu quả. Hi vọng các bí quyết trên đây góp phần truyền cảm hứng học tập cho bạn.
Bình luận