Sống như ngày mai sẽ chết - Đi tìm những mảnh ghép cuộc đời
thanhtinh
13/08/2019
7,672 lượt xem
Đã bao giờ bạn rơi vào trạng thái vô định khi nghĩ về tương lai của mình? Đã bao giờ bạn cảm thấy cuộc sống của mình nhàm chán, vô vị? Đã bao giờ bạn muốn thay đổi bản thân nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu? Làm sao để vượt qua chính mình để sống một cuộc đời đáng sống, tích cực và gặt hái được thành công bằng năng lực của bản thân?
Chắc hẳn bạn đã từng mang trong mình những câu hỏi như vậy, nhất là khi bạn còn trẻ.
Hình ảnh: Cuộc sống là phải biết trải nghiệm
Bạn biết không, “Cuộc sống thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình”. Những gì bạn hành động ngày hôm nay đều sẽ cho kết quả tương xứng trong tương lai.
Hình ảnh: Hãy đi tìm mảnh ghép cuộc đời của riêng mình
Tuổi trẻ mà không có trải nghiệm là tuổi trẻ vứt đi. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú cỏ cây... một đời người mà không có tuổi trẻ cũng vô nghĩa tương tự. Tuổi trẻ là kho báu quý giá mà mỗi người chỉ có cơ hội sở hữu một lần trong đời. Phải làm gì để tuổi trẻ không bị lãng phí vô nghĩa?
Hình ảnh: Tuổi trẻ hời hợt là tuổi trẻ vứt đi
Ngạn ngữ có câu “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”, những việc chúng ta làm hôm nay đều đem đến kết quả trong tương lai. Bởi vậy hãy tự “gieo” cho những mình những thói quen tích cực để “gặt” được số phận tươi đẹp. Nếu chưa biết nên “gieo” gì, bắt đầu từ đâu, hãy thử đọc cuốn sách Sống như ngày mai sẽ chết, biết đâu bạn sẽ tìm được câu trả lời của mình.
“Bạn muốn cuộc đời bạn là vườn hoa rực rỡ ngát thơm hay bạn muốn bỏ mặc cuộc đời mình thành mảnh đất hoang phế đầy cỏ dại? Bất kể bạn muốn thu gặt gì từ cuộc đời mình, bạn phải gieo hạt trước đã, và trước khi gieo hạt bạn sẽ cần làm nhiều việc khác: chuẩn bị đất, xới đất, thiết kế khu vườn, làm cỏ, chọn hạt giống, gieo hạt, tưới nước, bón phân…”.
Để tạo nên một số phận đẹp bạn phải chuẩn bị rất nhiều thứ và trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên, bạn phải “Làm đất”, bạn cần tự ý thức được rằng mình đang sống vì chính bản thân mình, sống cho mình chứ không phải ai khác. Bạn đi học là để thu nhận kiến thức, nhìn nhận thế giới để chuẩn bị cho tương lai sau này chứ không phải vì kiếm thành tích, điểm số cho bố mẹ “nở mày nở mặt”.
Hình ảnh: Bạn hãy sống cho chính mình
Bạn lựa chọn một công việc là vì phù hợp với khả năng, muốn được phát triển bản thân chứ không vì có người xếp đặt sẵn và chỉ cần yên vị. Nhiều người đã rơi vào bi kịch chỉ vì đang “sống cho người khác xem hoặc chỉ xem người khác sống”.
Nhiều cuộc điều tra sức khỏe tâm thần đã chỉ ra rằng, tỉ lệ người trẻ bị trầm cảm đang tăng dần, nguyên nhân một phần là do bế tắc, không tự giải quyết được các vấn đề của bản thân. Vậy nên, bạn cần phải tìm được chính mình, xác định được mục tiêu để không bị rơi vào ngõ cụt.
Vả chăng nếu có, hãy tìm cách thoát ra bằng cách tìm hiểu về những “phân số cuộc đời”, “hai món bảo bối giúp bạn làm chủ số phận”, hãy đi tìm “những hành động nhỏ giúp nâng cao giá trị bản thân”.
Hình ảnh: Bạn đừng để mọi thứ xung quanh bạn phải trở thành vô nghĩa
Bạn cần phải biết đến những “việc làm đơn giản để mỗi ngày không trôi qua vô nghĩa”, có như vậy bạn không thấy thời gian đang trôi qua tẻ nhạt, buồn chán. Khi đã có câu trả lời, nghĩa là bạn đã trải qua công đoạn “Chọn hạt giống – gieo hạt” cho khu vườn cuộc đời mình.
Tiếp đó là công đoạn “Chờ đợi”, chờ đợi không có nghĩa là ngồi yên một chỗ “há miệng chờ sung”. Chờ đợi có nghĩa sống chậm, sống sâu hơn để cảm nhận những giá trị, niềm vui từ những điều quanh mình.
“Bạn có thể không tin, nhưng tuổi trẻ mà không có trải nghiệm là tuổi trẻ vứt đi. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú cỏ cây... một đời người mà không có tuổi trẻ cũng vô nghĩa tương tự.”
“Cuộc sống thực chất là một cuộc trải nghiệm lớn mà trong đó bạn phải đi tìm những mảnh ghép là những trải nghiệm nhỏ để từ đó ghép nên cuộc đời mình”. Cuộc sống này không chỉ có một màu mà nó đa sắc, đa thanh bởi số người ta gặp hàng ngày, vô vàn tình huống mỗi ngày ta sẽ trải qua.
Phải chăng chúng ta nên cho bản thân một cơ hội được trải nghiệm điều mới mẻ để thử thách bản thân, ví dụ đi du lịch một mình, đăng ký học một thứ gì đó mới mẻ, chuyển nơi làm việc… Biết đâu bạn lại tìm được niềm đam mê và một con người khác trong mình!
Phần cuối cuốn sách, “Gặt thành quả”, được để ngỏ để mỗi người tự điền đáp án của mình. Bạn đã làm được gì hôm nay? Bạn đã đọc thêm được cuốn sách nào hay ho? Bạn đã đặt chân đến bao nhiêu nơi trên mảnh đất hình chữ S này?...
Tác giả cuốn sách Sống như ngày mai sẽ chết - Phi Tuyết là một cô gái 9X được biết đến qua trang blog Triết học cho tâm hồn với nhiều bài viết truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Phi Tuyết viết khỏe, cô coi việc viết như một bước giúp cô truyền đi những thông điệp sống tích cực đến với mọi người.
Sống như ngày mai sẽ chết sẽ nói cho bạn biết:
- Những phân số cuộc đời
- Hai món bảo bối giúp bạn làm chủ số phận
- Những hành động nhỏ giúp nâng cao giá trị bản thân
- Việc làm đơn giản để mỗi ngày không trôi qua vô nghĩa
Ghé qua blog của Phi Tuyết, ít ai ngờ rằng ngoài viết lách, dịch tài liệu, cô hiện đang quản lý một cửa hàng thời trang, một quán cà phê của riêng mình và một homestay dành cho khách du lịch bụi. Phi Tuyết đang sống như thông điệp mà cô gửi đến mọi người: Sống như ngày mai sẽ chết!
Và còn nhiều bí mật nhỏ thú vị về cuộc sống mà có thể bạn đang bỏ lỡ.
Mua sách ưu đãi tại đây |
Mời bạn đón đọc!
Bình luận