Sách Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka
thanhtinh
09/11/2019
6,494 lượt xem
Sách Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm (Đời Sống Xã Hội)
Ebook: Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm
Tác giả: Masanobu Fukuoka
Download Sách Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm PDF
Download Ebook: Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm
“Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.
LỜI GIỚI THIỆU
Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.
Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm,” nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.
Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.
Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hoá kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.
Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.
Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là Thiền trong nông nghiệp là vì vậy.
Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.
Bạn sẽ hiểu vì sao trong những khu rừng tự nhiên cây cối vẫn phát triển xanh tốt cùng với thú hoang và côn trùng mà không cần ai chăm sóc, không cần đến thuốc thú y hay thuốc bảo vệ thực vật, trong khi chúng ta trồng trọt chăn nuôi lại phải cày xới đất đai và dùng không biết bao nhiêu là thứ thuốc men hoá chất. Muôn loài dựa vào nhau để sống, chúng nuôi dưỡng nhau, chế ước nhau và loại bỏ những gì cần loại bỏ để duy trì sự sống vĩnh hằng trên trái đất.
Con người dù tự cho mình là thứ gì đi chăng nữa thì trước hết cũng là một sinh vật, nếu tách rời khỏi sự tuần hoàn của thiên nhiên thì sẽ không tồn tại. Chúng ta vốn là như thế nhưng chúng ta không muốn nghĩ thế. Chúng ta nghĩ chúng ta đứng trên muôn loài, chúng ta phải chiếm hữu, chúng ta phải cải tạo, chúng ta phải bắt muôn loài phục vụ cho nhu cầu của chúng ta. Chúng ta được dạy dỗ để làm việc đó.
Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhận ra những tri thức mà lâu nay chúng ta được trang bị không phải để sống thuận với thiên nhiên mà để chống lại thiên nhiên. Những tri thức đó khiến cho đầu óc chúng ta bị mê chấp, chúng ta không nghĩ rằng tạo hoá chỉ cho phép mỗi loài được nhận phần dành cho chúng để duy trì một sự sống cân bằng, nếu lạm dụng lập tức sẽ bị trả giá. Bệnh tật chính là lời cảnh báo đầu tiên.
Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường hoàn nguyên của con người. Đó là sự buông bỏ tất cả những gì chống lại thiên nhiên và trái với thiên nhiên để quay về với thiên nhiên, để con người trở lại là một thành tố của thiên nhiên.
Sự hoàn nguyên bắt đầu từ việc ăn ở. Bạn sẽ nhận ra bệnh tật là phản ứng của cơ thể trước sự ăn ở trái với tự nhiên của con người. Chân lý giản đơn để thoát khỏi bệnh tật là chỉ thụ hưởng những gì mà tự nhiên ban tặng. Trải nghiệm của ông Fukuoka cho bạn thấy cái để phòng ngừa bệnh tật nằm ngay trong chính thức ăn, thuốc men và thức ăn là hai mặt của một sản vật. Rau quả trồng bằng kỹ thuật canh tác hiện đại có thể ăn được nhưng không có tác dụng phòng ngừa bệnh tật, dù là rau quả “sạch.” Còn rau quả mọc tự nhiên hoặc trồng trong một môi trường tiệm cận với tự nhiên thì vừa là thức ăn vừa là những vị thuốc.
Các nhà nông học coi cách làm nông nghiệp của ông Fukuoka là phương pháp canh tác tự nhiên. Cứ tạm cho là như vậy, dù bản chất của nó không phải là một phương pháp. Phương pháp của ông là không có phương pháp nào cả, là buông bỏ, là vô vi, là tiến tới không làm gì hết. Nhưng để buông bỏ, để không làm gì hết là điều không hề dễ. Đó là sự phá chấp mà Đức Phật đã phải dùng đến Kinh Kim Cang, hàm ý là phải dùng đến một thứ rắn chắc như kim cương mới có thể tiêu diệt được sự chấp mê trong đầu óc con người.
Các nhà Phật học coi phương pháp canh tác của ông Fukuoka là Thiền trong nông nghiệp, là sự ứng dụng Phật pháp trong nông nghiệp. Cũng cứ tạm coi như vậy, dù những ghi chép của ông Fukuoka không dính mắc với một “pháp” nào và bản thân Thiền vốn không dính mắc, dù là dính mắc với thiền, với chính sự yên tịnh.
Cho nên tốt nhất là đọc xong cuốn sách này, bạn hãy quên nó đi, khi ấy một đám mây mù như được vén lên và bạn sẽ nhìn thiên nhiên khác trước, bản thân mình cũng khác trước. Bạn sẽ thú vị thốt lên “À, thì ra là như vậy.” Nhưng nếu như bạn vẫn còn dính mắc với cuốn sách, dù là tin theo hay có ý định phản biện, đám mây mù kia sẽ lại phủ xuống.
Cuốn sách của ông Fukuoka được viết bằng tiếng Nhật. Bản dịch tiếng Việt này được dịch từ bản dịch tiếng Anh. Do dịch từ một bản dịch trung gian nên sự sơ sót là khó tránh khỏi, nhưng tôi nghĩ nhóm dịch thuật đã hết sức cố gắng và đã chuyển tải một cách căn bản nội dung lẫn những ẩn ngữ mà tác giả muốn gửi gắm.
Nhà báo Hoàng Hải Vân
LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách này đến với tôi trong những ngày tháng khó khăn của cuộc đời, khi cả sức khỏe cơ thể và tinh thần đều giảm sút. Mỗi ngày, tôi uống hàng vốc thuốc, để chống lại những thứ bệnh tật do cả thói quen ăn uống và lối sống căng thẳng gây ra. Tôi nhìn vào chính mình và mọi thứ bằng đôi mắt nghi ngờ, cho rằng thế giới và chính mình sắp đến lúc tận diệt.
Và giờ đây, tôi có thể ở đây và nói với bạn rằng việc đọc cuốn sách này chính là một hạnh ngộ. Vì dù tôi có thể không bao giờ trở thành một người nông dân giỏi giang, nhưng tôi sẽ luôn là một người an bình và hạnh phúc.
Lúc này và mãi mãi về sau, tôi muốn nói về cuốn sách này như một tặng phẩm.
Dù tôi mang cuốn sách này tới tặng bạn, có thể bạn sẽ tự hỏi “Tại sao mình phải đọc một cuốn sách về làm nông trong khi toàn bộ phần đời còn lại của mình sẽ diễn ra tại thành phố?” Thế nhưng, có lẽ đã tới lúc ta nhìn vào việc làm nông theo một con mắt khác, con mắt mà đáng lẽ tất cả chúng ta đã có từ khi còn thơ bé, và rồi bị những tiện nghi làm lu mờ đi.
Tôi đã sống cả một năm mà chỉ bước vào bếp vài ba lần. Bởi lẽ, chỉ cần bước ra đường, tạt ngang vào cửa hàng tiện lợi nào, tôi có thể mua được mọi thứ đồ ăn – tất cả đều được đóng gói kĩ càng, được đóng dấu đảm bảo vệ sinh. Đó là cách của người ta sống nhiều thập kỉ nay, và cũng sẽ là cách mà nhiều người trên thế giới sẽ sống trong nhiều thập kỉ tới. Con người đã quen với sự tiện lợi của mọi thứ tiện nghi mang lại. Chúng ta sống lệ thuộc vào tất cả sự tiện nghi đó mà không nhận ra.
Tôi nhận thấy nỗ lực phát triển của con người từ trước cho tới nay chỉ nhằm hai mục đích: Biến đổi tự nhiên theo ý mình và Ngăn cách mình khỏi tự nhiên. Điều ấy rõ ràng bước đầu mang lại ích lợi cho loài người, giúp chúng ta phân biệt mình ra khỏi các giống loài khác. Chúng ta là loài động vật đầu tiên không chỉ săn bắt hay hái lượm những thứ có sẵn, chúng ta nuôi trồng, sản xuất. Tuy nhiên, điều đáng tiếc của loài người là không bao giờ thấy đủ.
Sản xuất nông nghiệp là bước tiến văn minh đầu tiên của loài người, nhằm đáp ứng cho nhu cầu được đảm bảo sống sót qua những mùa khó săn bắt, không hái lượm. Tuy nhiên, cho đến nay, hàng năm, loài người lãng phí 1/3 lượng thức ăn chúng ta có được. Và để có được từng đó thức ăn mà lãng phí, những người sản xuất lương thực thực phẩm đã không ngừng bón phân, diệt trừ cỏ và sâu bọ, vận chuyển thực phẩm từ lục địa này sang lục địa khác và bảo quản chúng bằng các hóa chất nhân tạo. Thế rồi sau đó, chúng ta cuống quýt tìm cách chữa trị các căn bệnh do hóa chất gây ra. Con người đã tìm cách diệt vong chính mình theo cách đó.
Tôi tự nhận thấy mình chính là nạn nhân của bản thân vì cách sống, ăn uống và suy nghĩ tách rời tự nhiên như vậy. Và nếu mọi sự cứ diễn ra như thế, tôi sẽ đi xa khỏi chính mình, khỏi tự nhiên, và tôi sẽ mãi mãi tự hỏi: Mình phải làm gì đây?
Đúng vậy, chúng ta phải làm gì đây? Câu trả lời nằm trong chính cuốn sách này. Masanobu Fukuoka từng là một nhà nghiên cứu cây trồng và giống tôi, ông từng sống cuộc đời vô tâm, tiện nghi của những con người đô thị. Tuy nhiên, ông đã đi qua một quá trình tự vấn khắc nghiệt để rồi nhận ra tất cả những sự phi lý trong sản xuất nông nghiệp, trong lối sống và tư duy của con người đối với tự nhiên. Hành trình cuộc đời ông, từ khi còn là một nhà nghiên cứu nông nghiệp tuyệt vọng cho đến lúc trở thành một lão nông hạnh phúc, được trình bày lại toàn bộ trong cuốn sách nhỏ này.
Fukuoka vừa là một nhà nghiên cứu, vừa là một người thực hành. Và chính thông qua việc thực hành đó, ông đã chứng minh được sự phi lý trong những nỗ lực của loài người. Ông đưa ra nguyên tắc “4 Không” trong sản xuất nông nghiệp, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là giúp những người nghiên cứu và lao động nông nghiệp khác nhận ra rằng chúng ta không cần phải “đè đầu cưỡi cổ” tự nhiên. Tự nhiên đã là một chỉnh thể hài hòa, hoàn hảo, và may mắn thay, nó cho phép loài người là một phần trong chỉnh thể đó.
Nông nghiệp trong thế giới quan của Fukuoka không phải là một thứ ngành nghề phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của loài người. Trái lại, đó là cách giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc sống thuận tự nhiên, và giảm bớt đi những nhu cầu vốn chỉ đưa ta đến bệnh tật và đau khổ. Trồng cây là một cách thanh lọc và bồi đắp cho cá nhân, và chúng ta có thể làm điều đó một cách đơn giản, nhàn tản khi đã hiểu thế nào là thuận tự nhiên.
Thông qua chính việc sản xuất và sử dụng lương thực, lão nông này còn giúp chúng ta nhận ra được ý nghĩa của sự tồn tại trong thế giới. Khi tự coi mình là một phần của tự nhiên, chúng ta sẽ hiểu thế nào là ngon, là đủ. Và điều đó không chỉ áp dụng cho riêng việc ăn uống để duy trì sự tồn tại, mà còn cho tất cả những phương diện khác trong cuộc sống. Tác giả chỉ cho ta một con đường đi đến hạnh phúc, và con đường đó không cần đến một nỗ lực khó khăn nào hay chiến thắng nào cả, đó là điều cốt lõi của việc “vô canh.”
Đối với riêng tôi, điều lớn lao nhất của cuốn sách này là sự khai sáng: Biết cách “không làm gì cả” chính là việc sống có ý nghĩa. Masanobu Fukuoka đã phải thử và thất bại rất nhiều để đi đến cái đích “Vô” của ông. Gấp cuốn sách lại, tôi “biết” đâu là điều tôi cần chọn bởi đây là một cuốn sách về sự “Biết.” Biết đủ, và biết như thế nào là đủ. Sự biết đó, đưa chúng ta trở về với vị trí của mình và an nhiên. Fukuoka đã trao tặng cho chúng ta điều đó, bằng toàn bộ cuộc đời ông.
Thế nên, tôi thấy mình thật may mắn làm sao đã được trải nghiệm món quà này, để tôi có thêm một lựa chọn để đi đến cái đích hạnh phúc của cá nhân mình. Và bạn cũng vậy, dù bạn ở đâu, bạn là ai, bạn đang làm trong lĩnh vực gì và trạng thái của bạn là như thế nào.
Nguồn: sachphat.net
Bình luận