[Review Sách] THIÊN TÀI BÊN TRÁI, KẺ ĐIÊN BÊN PHẢI – Nếu một ngày anh thấy tôi điên, Thực ra chính là anh điên đấy!

[Review Sách] THIÊN TÀI BÊN TRÁI, KẺ ĐIÊN BÊN PHẢI – Nếu một ngày anh thấy tôi điên, Thực ra chính là anh điên đấy!

58,445 lượt xem

[Review Sách] THIÊN TÀI BÊN TRÁI, KẺ ĐIÊN BÊN PHẢI

 

THIÊN TÀI BÊN TRÁI, KẺ ĐIÊN BÊN PHẢI 

Tác giả Cao Minh
Nhà xuất bản NXB Thế Giới       
Công ty phát hành            Vibooks
Ngày xuất bản 06-2019
Kích thước 16 x 24 cm
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 424

 

 

 

 

 

 

MUA SÁCH | ĐỌC SÁCH ONLINE

GIỚI THIỆU SÁCH

NẾU MỘT NGÀY ANH THẤY TÔI ĐIÊN, THỰC RA CHÍNH LÀ ANH ĐIÊN ĐẤY!

Hỡi những con người đang oằn mình trong cuộc sống, bạn biết gì về thế giới của mình? Là vô vàn thứ lý thuyết được các bậc vĩ nhân kiểm chứng, là luật lệ, là cả nghìn thứ sự thật bọc trong cái lốt hiển nhiên, hay những triết lý cứng nhắc của cuộc đời?

Lại đây, vượt qua thứ nhận thức tẻ nhạt bị đóng kín bằng con mắt trần gian, khai mở toàn bộ suy nghĩ, để dòng máu trong bạn sục sôi trước những điều kỳ vĩ, phá vỡ mọi quy tắc. Thế giới sẽ gọi bạn là kẻ điên, nhưng vậy thì có sao? Ranh giới duy nhất giữa kẻ điên và thiên tài chẳng qua là một sợi chỉ mỏng manh: Thiên tài chứng minh được thế giới của mình, còn kẻ điên chưa kịp làm điều đó. Chọn trở thành một kẻ điên để vẫy vùng giữa nhân gian loạn thế hay khóa hết chúng lại, sống mãi một cuộc đời bình thường khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn?

Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải là cuốn sách dành cho những người điên rồ, những kẻ gây rối, những người chống đối, những mảnh ghép hình tròn trong những ô vuông không vừa vặn… những người nhìn mọi thứ khác biệt, không quan tâm đến quy tắc. Bạn có thể đồng ý, có thể phản đối, có thể vinh danh hay lăng mạ họ, nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là phủ nhận sự tồn tại của họ. Đó là những người luôn tạo ra sự thay đổi trong khi hầu hết con người chỉ sống rập khuôn như một cái máy. Đa số đều nghĩ họ thật điên rồ nhưng nếu nhìn ở góc khác, ta lại thấy họ thiên tài. Bởi chỉ những người đủ điên nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới mới là những người làm được điều đó.

Chào mừng đến với thế giới của những kẻ điên.

THIÊN TÀI BÊN TRÁI, KẺ ĐIÊN BÊN PHẢI, VẬY Ở GIỮA LÀ GÌ?

THIÊN TÀI BÊN TRÁI, KẺ ĐIÊN BÊN PHẢI, VẬY Ở GIỮA LÀ GÌ?

Có thể bạn đã biết, thiên tài và bệnh nhân tâm thần chỉ cách nhau bởi một lằn ranh mỏng manh. Họ đều là những kẻ mang trong mình góc nhìn quái dị, ý tưởng lạ lùng, tư duy khác biệt và những hành động bị xem là “chả ra làm sao, chả hợp thời”. Sự khác nhau giữa thiên tài và người bệnh tâm thần ở chỗ, một bên chứng minh được thế giới quan của họ, bên còn lại thì chưa.
Dù vậy, ta không thể phủ nhận thế giới trong mắt của bệnh nhân tâm thần có nhiều điểm thú vị. Thế giới rất rộng lớn và ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu mà cho đến giờ, con người vẫn chưa thể lý giải hết. Thế giới cũng đầy những quy tắc và hệ thống một cách nghiêm ngặt. Con người chúng ta, đa số chỉ có thể cảm nhận được một phần nhỏ trong đó. Hiểu biết của chúng ta về thế giới vô cùng hạn hẹp và phiến diện. Vậy nếu ta hiếu kỳ về thế giới này và muốn biết thêm nhiều góc nhìn mới lạ về nó thì sao?

Tác giả Cao Minh đã lựa chọn phương pháp tiếp xúc với những bệnh nhân tâm thần để khám phá những góc nhìn mới lạ ấy. Đó là lý do mà cuốn “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” ra đời. Cuốn sách là tập hợp các bài phỏng vấn giữa tác giả và những bệnh nhân tâm thần. Bằng cách đặt những câu hỏi hết sức khéo léo và thông minh, tác giả cố gắng thâm nhập vào thế giới của những bệnh nhân tâm thần, qua đó thể nghiệm thế giới quan của họ. Trong quá trình tiếp xúc, tác giả đã nhận ra một điều thú vị rằng “rất nhiều bệnh nhân tâm thần có đủ khả năng nhanh chóng tìm ra một cách giải thích. Không cần biết là quỷ, hồ, tiên, quái hay vật lý, sinh học, họ đều rất kiên định xác nhận.”

Chẳng hạn như lần tác giả phỏng vấn một bệnh nhân tâm thần là thiếu niên 17 tuổi. Cậu am hiểu vật lý lượng tử theo một cách kỳ dị đến mức, để giao lưu được với cậu, tác giả phải nhồi nhét các kiến thức về vật lý, sinh học; dẫn theo một người trợ giúp là giáo sư vật lý lượng tử trẻ để giải thích những lời cậu nói theo ngôn ngữ chuyên ngành thông thường. Vấn đề là những điều cậu biết, theo như lời cậu nói, là do một sinh vật bốn chiều bảo với cậu, có cả đọc trong sách. Sinh vật bốn chiều ấy, “một phần kết cấu của nó mang tính phi vật chất, chỉ có thể cảm nhận được”. Cậu không thể lý giải được cảm giác nó mang đến cho cậu. Đến đây thì tác giả bắt đầu chất vấn:
“Tôi (tác giả): Nhưng sao cậu chứng thực được cảm giác của cậu là chính xác, đúng hơn là làm sao cậu chứng minh được có ai đó mang đến cho cậu cảm giác đó?

Cậu lạnh lùng nhìn tôi: Lùi lại hơn một trăm năm trước, nếu anh nói với một học giả vật lý hàng đầu thời đó rằng, anh chỉ cần cầm một vật không to bằng tay, không dày bằng cuốn sách là có thể nói chuyện với một người ở nơi xa, nhờ vệ tinh bay quanh địa cầu và một cái thẻ bé bằng móng tay nằm trong vật đó; anh có thể ngồi trước một màn hình nhỏ bé nói chuyện với người lạ cách xa hàng ngàn dặm mà không cần dùng bất cứ sợi dây liên kết nào; anh xem một trận bóng đá ở bên kia địa cầu chỉ nhờ ấn điều khiển tivi; người đó sẽ nghĩ thế nào? Ông ta sẽ nghĩ anh bị điên! Bởi chúng vượt quá phạm trù của bất cứ ngành khoa học nào thời đó, được liệt vào dạng những điều bất hợp lý, đúng không?
[…]

Không lâu sau, cậu thiếu niên đồng ý làm một bài kiểm tra vật lý lượng tử được chuẩn bị riêng cho cậu ấy nhưng kết quả rất tệ. Không biết vì sao, sau khi nghe kết quả đó tôi có chút thất vọng. Nếu cậu ấy thật sự là một thiên tài, cậu ấy cũng chỉ có thể là thiên tài ở tương lai trăm năm sau, thậm chí xa hơn nữa, chứ không thuộc về thời đại của chúng ta. […] Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một câu Goethe từng nói: ‘Chân lý thuộc về con người, sai lầm thuộc về thời đại.’”

Ngoài ra còn rất nhiều cuộc phỏng vấn với đủ kiểu bệnh nhân tâm thần mang trong mình các vấn đề khác nhau. Có cái hài hước thú vị, có cái làm tác giả và người đọc phải sững sờ đến đáng sợ. Nhiều bệnh nhân có hệ thống logic hoàn thiện đến mức tác giả phải tự hỏi mình, liệu người không đúng có phải là chính tác giả – những người được xem là “bình thường”? Liệu họ có đúng là bệnh nhân tâm thần không? Ở vài cuộc phỏng vấn, tác giả đặt câu hỏi để dẫn dắt câu chuyện nhưng cuối cùng, hóa ra người bị là dẫn dắt là tác giả. Kẻ đi săn bỗng chốc thành con mồi. :))

Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải, vậy ở giữa là gì?

Ở giữa phải chăng là những con người bình thường, sống cuộc đời rập khuôn như một cái máy? Khi thấy những kẻ mang ý tưởng quái lạ, nếu nhìn bên phải, họ bị tâm thần. Nhưng nếu thay đổi góc nhìn, hướng mặt sang bên trái thì họ là thiên tài. Dù là tâm thần hay thiên tài thì ta không thể phủ nhận rằng, họ là những gã đầy bản lĩnh khi dám đập tan gông xiềng của quy tắc, đạp đổ mọi rào cản với mơ ước thay đổi thế giới.

Cuốn sách phù hợp với những bạn thích chiêm nghiệm về thế giới, mang tư duy mở, không ngại đón nhận những góc nhìn khác lạ.

– Kim Ngân

Đọc “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” là một trải nghiệm khá mới, vì trước giờ mình chỉ đọc tiểu thuyết lãng mạn, như Nguyễn Nhật Ánh hay Ichikawa Takuji ấy, đọc cuốn Thiên tài là vì dạo đây khá nhiều người giới thiệu nên cũng tò mò tìm đọc.

Cuốn “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải”, nếu không kiên nhẫn sẽ không đọc được, vì muốn đọc, bạn sẽ phải từ bỏ lối suy nghĩ bình thường, những thường thức đã trở thành chân lý trong bạn. Mà từ bỏ rồi, đọc được rồi có hiểu hay không là do bạn. (Nhưng cuốn này hay thật, hấp dẫn thật đó.)

Nói cuốn sách này là truyện cũng không đúng lắm, nói nó là một tập hồi ký của những người tác giả đã tiếp xúc sẽ hợp hơn, vì toàn bộ cuốn sách là những cuộc đối thoại của tác giả và những bệnh nhân tâm thần tác giả có cơ hội tiếp xúc, tác giả là người dẫn dắt cho bệnh nhân trao đổi, chia sẻ về cách nghĩ, tư duy của họ.

Người khác nói, nghe người bệnh nói làm gì, họ không phải bị điên sao, bị điên mới vào viện tâm thần. Nhưng đọc cuốn sách này, mình lại thấy, họ không điên. Cách nghĩ của họ chỉ là khác với tư duy của đại chúng mà thôi. Vì họ là thiểu số, khác với đa số, nên họ là “người điên”.

Và họ rất cô độc.

“Tôi bây giờ không có bạn bè, bố mẹ đều qua đời rồi, không người nhà, không kết hôn, không con cái, bởi tôi đã không còn để tâm đến những điều đó. Tôi chỉ hy vọng có người đồng hành, thấu hiểu sự cô độc này, cho dù đó là ai. Có thể các anh sẽ nghĩ tôi mắc bệnh tâm thần, cứ cho là vậy đi, tôi cũng không quan tâm, chỉ hy vọng tìm được người có những trải nghiệm giống mình, hiểu được cảm giác của mình thôi.
[…]
Có thể… có thể tôi bị mắc bệnh tâm thần, chỉ là tôi có tiền, không ai cảm thấy tôi điên, những người không có tiền mới thành kẻ điên… Có thể tìm thấy một người giống mình thì tốt, dù chỉ là một người.”

Họ cô độc vì không ai hiểu họ, họ cô độc vì trong thế giới của họ chỉ có một người. Có lẽ trong số họ có những người thực sự có tài năng thiên bẩm, nhưng vì khác với số đông, họ trở thành “kẻ điên”, “người tâm thần”. Và họ có lẽ luôn mong mỏi một người có thể hiểu được họ, để thế giới của họ không còn chỉ có mỗi họ.

“Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” là một cuốn sách đầy sự hack não, xoắn tư duy, vặn logic, nhưng cũng đầy sự cô đơn, dù không phải mỗi người trong mỗi câu truyện đều nói ra lời. Nếu có hứng thú với những điều kỳ lạ, khác với lẽ thường, đừng bỏ qua cuốn sách này, vì họ sẽ đưa bạn đến những thế giới quan vô cùng độc đáo, vô cùng thú vị. Nếu không, cũng đừng vội quay lưng, hãy cho cuốn sách này một cơ hội, cho bản thân một cơ hội, để thấy rằng họ cũng như bao người thôi, cũng có cảm xúc, cũng có hỉ nộ ai lạc. Vì dù là thiên tài hay kẻ điên, họ cũng đều là người.

– Nguyễn Hà Chi

“Probatio Diabolica” (Devil’s Proof)

“Chứng minh cái gì đó không tồn tại là loại chứng minh bất khả, được gọi là ‘probatio diabolica’ (devil’s proof), hay ‘chứng minh sự tồn tại của ma quỷ’.”

Ví dụ đơn giản, bạn không thể chứng minh sự tồn tại của ma quỷ bằng chứng cứ xác thực, nhưng cũng không thể phủ nhận tuyệt đối sự tồn tại của ma quỷ, cũng bởi thiếu chứng cứ. Đó là một vấn đề tiến thoái lưỡng nan mà đến giờ câu trả lời vẫn bị bỏ ngỏ.

“Chứng minh ma quỷ”, cũng chính là quan điểm của những người trong cuốn “Thiên tài bên trái kẻ điên bên phải” vậy. Nếu bạn muốn tìm một cuốn sách khoa học với chứng cớ xác thực, luận điểm rõ ràng, phân tích kĩ càng chặt chẽ, thì có lẽ cuốn sách này không phải ứng cử viên phù hợp cho bạn lắm. Nhưng nếu bạn muốn tìm kiếm sự mới lạ trong những nan đề không lời giải, trong những pha xoắn não vì những lời của những người mà xã hội gọi là kẻ điên, thì sao không dành chút thời gian tìm hiểu cuốn sách này nhỉ? Chỉ cần đọc qua một vài trang, bạn sẽ bị cuốn vào những quan điểm “tưởng vô lý mà lại hợp lý”, dù có phản đối, bạn cũng khó mà tìm được lý lẽ để hoàn toàn phủ nhận quan điểm của họ.

Thiên tài và kẻ điên, ngăn cách với phần đông xã hội bằng một ranh giới mang tên “bình thường”. Nhưng cái gọi là “bình thường” cũng có khi là một “chứng minh ma quỷ” đấy.

“NẾU MỘT NGÀY ANH THẤY TÔI ĐIÊN, THẬT RA CHÍNH LÀ ANH ĐIÊN.”

– Phương Nhuế Hân

Thế giới mới về tâm lý học và những câu chuyện đa sắc về những-người-đặc-biệt.

Ji Hae Soo trong bộ phim “It ok that’s love” từng nói: “Ai trong chúng ta cũng đều mắc bệnh tâm lý, điều kỳ diệu là chúng ta có thể vượt qua chúng bằng tình yêu thương của mọi người xung quanh!”.

Chọn cuốn sách này mặc dù đây là thể loại khá lạ trong số các thể loại sách hay truyện về tâm lý học mình từng đọc. Những mẩu chuyện, hay nói đúng hơn là những đoạn hội thoại giữa một bác sĩ tâm lý và những “ca bệnh” đặc biệt của anh. Nếu nghe đến đây mọi người có thể cho rằng, thế thì cuốn sách này tẻ nhạt và không hấp dẫn vì không có tình tiết và diễn biến kịch tính như các tác phẩm tâm lý tội phạm điều tra phá án. Nếu thế thì không cần đọc tiếp review và cũng bỏ qua luôn tác phẩm này đi. Vì giá trị của cuốn sách này nó không nằm ở việc câu kéo sự tò mò bằng những tình tiết tượng tượng, hoặc sao chép từ đâu đó, học hỏi từ đâu đó. Cuốn sách là một kho những kiến thức sâu rộng và cực kỳ cuốn hút về tâm lý học và những ai muốn hiểu rõ về phạm trù khó nhằn này.

Sẵn sàng chấp nhận dành tận 3 tháng chỉ để đọc đi đọc lại các mẩu chuyện nhỏ, “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” là cuốn sách mình đọc lâu xong nhất, có thể coi là kỷ lục lâu, nhưng lâu một cách xứng đáng. Một cuốn sách có giá trị thực tiễn sẽ tốn của người đọc nhiều thời gian hơn.

Thông qua những câu chuyện trong đó, muốn hiểu, phải đọc đi đọc lại nhiều lần, và phải rất tập trung, vì tác giả kết hợp rất hay ngôn ngữ kể chuyện lồng ghép với kiến thức uyên thâm về tâm lý học. Nhất là những thứ ở đây, những tình huống và những bệnh nhân mà tác giả gặp, bạn sẽ không thể gặp ở bất cứ đâu.

Mỗi một bệnh nhân tâm lý đều có một thế giới duy ngã của riêng mình, đó là một thế giới quan được nhìn dưới lăng kính cảm nhận của người đó.

Có thể với những người-bình-thường khác thì họ là những kẻ lập dị, tư tưởng hoang đường và quan niệm khác về cuộc sống. Nhưng sự thật có phải như vậy không? Chỉ khi chúng ta thật sự bước vào thế giới của ai đó, chúng ta mới hiểu vì sao họ có lối sống như vậy, và chỉ khi chúng ta hiểu được cách tiếp nhận khác, chúng ta sẽ nhìn thấy một thế giới khác.

“Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” không phải là cuốn sách giải trí, đọc cho vui, càng không phải là cuốn sách màu mè tô vẽ để câu kéo sự chú ý của người đọc. Nó là cuốn sách giống cánh cửa đi vào một thế giới khác, với những góc nhìn khác về tâm lý học, và thực sự đã thuyết phục một người thích tìm hiểu về tâm lý học như mình.

Đáng đọc, cũng đáng để đọc kỹ.

Bài trước
Bài tiếp

Bình luận

Mua sách online siêu khuyến mãi, tại sao không?

Là đối tác chiến lượt với các kho sách online, chúng tôi xin chia sẻ tới các bạn mã giảm giá tới 70% khi mua online.