3 vấn đề lớn cốt lõi để tạo thói quen đọc sách mỗi ngày
thanhtinh
21/08/2019
4,928 lượt xem
Đọc sách không chỉ là một kỹ năng chuyên môn quan trọng. Đó còn là một cách để thưởng thức các tác phẩm văn học bổ ích, đầy sáng tạo và khơi nguồn cảm hứng để giúp cuộc sống của bạn có thêm những trải nghiệm phong phú. Giống như bất cứ kỹ năng đáng có nào, việc phát triển thói quen đọc sách cũng đòi hỏi thời gian và tâm huyết. Tuy vậy, đọc sách luôn là thú tiêu khiển và là niềm vui vô tận, đồng thời cũng là một sở thích ít tốn kém cho bất cứ ai khi cầm trên tay một cuốn sách.
Phần1: Phát triển thói quen đọc sách
-
Cải thiện kỹ năng đọc sách. Để tạo thói quen đọc sách và tận hưởng trọn vẹn lợi ích của việc đọc sách, bạn hãy bắt đầu bằng cách thực hành các kỹ năng đọc sách tốt. Ví dụ:
- Đọc để biết nội dung. Khi đọc, bạn nên đọc ý chính của từng đoạn và các lý lẽ hỗ trợ cho ý chính đó. Trong lúc thực hành kỹ năng đọc, bạn nên cầm sẵn bút chì để ghi chú hoặc gạch dưới ý chính của từng đoạn.
- Tra các từ không quen thuộc. Những trang từ điển trực tuyến là một nguồn phong phú và tuyệt vời cho việc định nghĩa các từ mới. Bạn chỉ cần gạch dưới hoặc liệt kê các từ lạ. Khi đọc đến đoạn dừng, bạn hãy quay trở lại và tra từng từ mới, đọc lại cả câu có những từ đó. Điều này sẽ giúp bạn hiểu ngữ cảnh của các từ và cách sử dụng trong trường hợp các từ có nhiều nghĩa.
- Học cách đánh giá ngữ cảnh. Khi đối mặt với những từ hoặc ý lạ, thông thường ngữ cảnh văn chương, bối cảnh lịch sử hoặc xã hội của bài viết có thể gợi cho bạn các manh mối để đoán ra ý tưởng mà nhân vật hoặc tác giả muốn gửi gắm. Điều này đòi hỏi bạn phải nghiên cứu thêm một chút ở bên ngoài để biết các mức độ khác nhau của ngữ cảnh trong bài viết.
- Làm quen với các biện pháp tu từ. Đặc biệt nếu bạn là người say mê tiểu thuyết và truyện ngắn, việc làm quen với nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong văn chương là một phần quan trọng để trở thành người đọc giỏi. Kiến thức về các biện pháp tu từ thường gặp như phép ẩn dụ, ngoa dụ, cấu trúc đối xứng, nhân cách hóa và lặp lại âm đầu có thể giúp kinh nghiệm đọc sách của bạn thêm phong phú.
- Đừng vội vàng. Đọc sách với mục đích học và thưởng thức không phải là việc có thể thực hiện một cách chóng vánh. Thay vì thế, bạn hãy thong thả, trau dồi các kỹ năng và phát triển theo tốc độ của riêng bạn. Đừng nản lòng nếu bạn là người đọc chậm, đặc biệt là lúc ban đầu. Mỗi ngày một ít, khi ta đọc sách, bộ não sẽ đem các kỹ năng đọc đã học được trước đó áp dụng vào mỗi lần đọc và thường đạt hiệu quả cao hơn.
-
Luôn có sẵn tài liệu đọc. Các cầu thủ bóng rổ không thể tập luyện nếu không có bóng và giày thể thao. Đọc sách cũng tương tự như bất cứ kỹ năng nào khác. Sau đây là một vài gợi ý về việc làm thế nào để luôn có các tài liệu mới:
- Đặt sách báo dài hạn: Việc đặt mua tạp chí chuyên ngành là một cách rất hay để luôn có nguồn tài liệu cập nhật. Ngoài ra còn có các tạp chí văn học như ”Tạp chí văn nghệ”, ”Tuần san văn hóa văn nghệ” trong đó giới thiệu nhiều tác phẩm hư cấu và độc đáo.
- Đến thư viện: Thư viện là nơi có nguồn sách dồi dào và miễn phí khi bạn đến tra cứu. Nếu chưa có thẻ thư viện, bạn hãy đăng ký ngay để xem thư viện địa phương có thể cung cấp những gì.
- Cân nhắc đọc sách điện tử. Ở Mỹ, các công ty phát hành sách như Barnes&Noble hay Amazon có cung cấp sách điện tử và rất nhiều thể loại sách điện từ để bán hoặc cho thuê. Các thư viện cũng thường cho mượn sách điện tử miễn phí.
- Tìm đọc trên mạng. Các trang web thông qua thư viện của các trường đại học thường có bản hoàn chỉnh của các tác phẩm văn học trực tuyến. Ví dụ, "Dự án Gutenberg," hiện được điều hành bởi Ibiblio thông qua trường đại học North Carolina tại Chapel Hill, có gần 50.000 bài luận, tiểu thuyết và truyện ngắn, ngoài ra mỗi tuần còn có 50 tiểu thuyết mới được bổ sung.
-
Tìm cách đưa việc đọc sách vào cuộc sống hàng ngày. Việc phát triển các kỹ năng đọc sẽ dễ dàng hơn nếu bạn tạo được thông lệ đọc sách hàng ngày. Sau đây là một số cách để làm điều này.
- Gia nhập câu lạc bộ sách. Việc tham gia các câu lạc bộ sách gặp mặt hàng tuần hoặc hai tuần một lần là một cách rất hay để giúp bạn có động cơ đọc sách và gặp gỡ với những người có cùng thói quen tốt là đọc sách. Đó còn là dịp để bạn nói chuyện về những điều đã đọc và thu được nhiều điều bổ ích khi trò chuyện với nhiều độc giả thông minh và thú vị.
- Tải phần mềm đọc thông tin tổng hợp (news aggregator). Nhiều dịch vụ miễn phí như Feedly hoặc Digg có thể giúp bạn theo dõi các blog, báo hoặc tạp chí online thông qua các trình duyệt có khả năng sắp xếp những tài liệu của bạn vào các thư mục và phân loại dựa trên các mục ‘’đã đọc” và ”chưa đọc”.
- Tìm thời gian và địa điểm dành cho việc đọc. Bạn có một chỗ ngồi yêu thích ở tiệm cà phê hay một góc yên tĩnh nào đó ở nhà, nơi bạn có thể thoải mái thư giãn? Hãy tìm một nơi thích hợp cho thói quen đọc sách của bạn. Dành thời gian thường xuyên tận hưởng sự yên tĩnh và luôn cầm theo cuốn sách mà bạn đang đọc.
- Đặt ra các mục tiêu hàng ngày hoặc hàng tuần. Ở đây không có quy định nào về tốc độ đọc xong một quyển sách hoặc một cuốn tạp chí; nhưng nếu bạn là một người đọc có tham vọng và có một danh sách những thứ mà bạn háo hức muốn đọc thì việc đặt ra các mục tiêu vừa sức là một cách rất hay để thỏa mãn tham vọng của bạn. Chẳng hạn như, bạn có thể đặt mục tiêu dành ra mỗi ngày một tiếng đồng hồ để đọc sách, hay đọc xong một chương của cuốn sách đang đọc, hoặc 10 trang tạp chí.
Phần2: Xác định những thứ cần đọc
-
Suy nghĩ về những sở thích và mối quan tâm của bạn. Việc đọc sách có thể sẽ còn lý thú và thỏa mãn hơn khi người ta đọc về các đề tài mình quan tâm.
- Tìm kiếm các blog, sách và tạp chí có đề cập đến sở thích và những điều bạn có hứng thú để tạo động lực khuyến khích việc đọc và để tận hưởng tối đa niềm vui đọc sách.
-
Nhờ bạn bè giới thiệu. Những lời giới thiệu truyền miệng rất hữu ích trong việc lựa chọn sách đọc.
- Nói chuyện với bạn bè hoặc với những độc giả trên mạng có cùng mối quan tâm như bạn. Tìm ra những cuốn sách mà bạn thấy thú vị.
- Goodreads.com là một nguồn giới thiệu sách trên mạng rất hữu ích với các mô tả cụ thể.
- Đến các hiệu sách ở địa phương nếu có. Hầu hết các nhân viên bán sách đều yêu sách và sẽ vui vẻ giới thiệu sách cho bạn. Nếu gần nhà bạn có các hiệu sách cũ thì càng tốt.
-
Đọc các tác phẩm cổ điển. Một người đọc tốt nên biết những tác phẩm tốt là như thế nào. Hãy cùng trải nghiệm với những cuốn sách đã tạo nên lịch sử phương Tây, đồng thời bạn cũng nên cân nhắc:
- Biết cách mở rộng việc tìm hiểu và đọc các tác phẩm kinh điển của các nền văn hóa khác trên thế giới.
- Khám phá xem từng thế hệ tác giả đã đặt vấn đề, nhìn nhận và diễn giải lại những sự kiện quan trọng của lịch sử cho độc giả cùng thế hệ như thế nào.
-
Đọc các tác phẩm phê bình. Người ta thường bảo rằng mỗi người đọc đều là một nhà phê bình, và sở thích chỉ có giá trị tương đối; tuy nhiên, các trào lưu không ngừng phát triển vì một số hiện tượng văn hóa nào đó trở nên nổi tiếng hoặc liên quan đến nhiều người cùng lúc. Một số lợi ích của việc đọc các bài phê bình sách là:
- Phát triển một bộ kỹ năng đọc khác. Đọc các tác phẩm phê bình khác với đọc các tác phẩm hư cấu và phi hư cấu. Bạn nên phát triển các kỹ năng học hỏi để hiểu mục đích và lợi ích của thể loại phê bình văn học.
- Có được thông tin của một cuốn sách mà không phải mua. Việc xem các bài phê bình là một cách hay để bạn biết trước và loại bỏ ý định mua những cuốn sách nào đó. Các tác phẩm bình luận cũng là một cách để bạn tìm được gu thẩm mỹ của mình trong việc đọc sách.
- Bắt đầu một cuộc trò chuyện bổ ích. Có thể bạn và các thành viên trong câu lạc bộ sách vừa đọc xong một cuốn sách bị đánh giá thuộc hạng xoàng trên một tờ báo lớn. Bạn hãy nêu ra bài phê bình đó và nói về các điểm chính mà bài báo đề cập đến. Nghe xem những người khác nghĩ gì. Phát triển ý kiến riêng của bạn về cuốn sách.
-
Lập một danh sách đọc. Việc liệt kê những cuốn sách, tạp chí và các blog mà bạn quan tâm là điều cần thiết để bạn biết phải tiếp tục chuyển sang đọc gì sau khi đã đọc xong một cuốn sách. Goodreads.com là một nơi hữu ích để theo dõi quá trình này; tuy nhiên, thậm chí chỉ một trang ghi chép trong sổ cá nhân cũng là công cụ tốt để theo dõi những thứ chúng ta muốn đọc trong tương lai.
Phần3: Tạo nề nếp đọc sách lâu dài
-
Tham gia đọc sách tình nguyện. Các trường học, nhà dưỡng lão, trại cải huấn và thậm chí nhà trú ẩn cho người vô gia cư đều hoan nghênh những tình nguyện viên đến đọc sách. Hoạt động đọc sách tình nguyện là một công việc quan trọng vì:
- Không phải đứa trẻ nào cũng được hưởng thời gian tập thói quen đọc sách cùng cha mẹ. Trong các gia đình đơn thân có nhiều con, người cha hoặc người mẹ không có khả năng hỗ trợ những đứa trẻ gặp khó khăn. Hoạt động tình nguyện nghĩa là bạn có thể giúp hình thành tương lai học vấn và triển vọng nghề nghiệp cho một đứa trẻ.
- Không phải người lớn nào cũng có khả năng đọc. Vì nhiều nguyên nhân, có những người không được học chữ cho đến khi bước vào tuổi trưởng thành bị tước đi triển vọng nghề nghiệp và khả năng sống độc lập. Là một tình nguyện viên đọc sách cho người lớn, bạn có thể tác động tích cực đến cuộc sống và lòng tự trọng của những người cần được giúp đỡ.
- Bạn có thể tạo nề nếp học lâu dài. Với những người già có vấn đề về thị lực, việc đọc sách có thể không còn là một lựa chọn thích hợp. Đặc biệt nếu họ là người ham đọc sách khi còn trẻ thì việc có một người đến và đọc sách cho họ nghe không chỉ là một trải nghiệm học hỏi, mà qua đó họ còn nhận được sự ấm áp, tình bầu bạn và cơ hội trao đổi kiến thức.
- Một số cộng đồng có thể có chương trình tình nguyện giúp thu âm sách giáo khoa và các tài liệu viết khác dành cho người mù hoặc người mắc chứng khó đọc.
-
Khởi xướng hoặc tham gia chương trình trao đổi sách. Tìm trên mạng qua các nguồn như paperbackswap.com, hoặc tìm một hiệu sách cũ trong khu bạn ở có tham gia chương trình trao đổi sách.
- Đặc biệt nếu bạn thích đọc tiểu thuyết hư cấu, tiểu thuyết lãng mạn hoặc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, việc trao đổi sách là một cách ít tốn kém để lấp đầy kệ sách của bạn.
-
Tham gia hội sách. Bạn muốn tìm hiểu về các tác giả mới hay gặp gỡ các tác giả bạn đã biết? Các ngày hội sách là một cơ hội tuyệt vời cho cả hai hoạt động đó. Ngoài ra, bạn còn có những lợi ích khác nữa khi đến với hội sách:
- Mua sách giảm giá. Các nhà xuất bản sách và nhà bán lẻ đến hội sách và thường có chương trình giảm giá cho những cuốn sách của các tác giả có mặt trong ngày hội sách.
- Xin chữ ký. Đặc biệt nếu các tác giả có sách vừa được xuất bản, họ thường được mời đến hội sách để quảng cáo. Bạn có thể tận hưởng cảm giác thích thú với các chữ ký và còn có thể làm “của để dành”.
- Được nghe đọc sách. Các ngày hội sách thường mời các tác giả khách mời đọc một số đoạn trong các tác phẩm mới ra của họ hoặc điều khiển chương trình đọc sách cho mọi người nghe để truyền cảm hứng hoặc để tưởng nhớ các tác giả tài danh.
-
Viết blog đọc sách. Blog đọc sách là một cách rất tốt để ghi nhớ các cuốn sách bạn thích, viết phê bình cho những cuốn sách mà bạn không thích và theo dõi những sách đã đọc. Thêm vào đó, một blog đọc sách còn có thể:
- Giúp bạn gặp gỡ mọi người. Đưa các bài viết của bạn ra công chúng và đem lại sự thích thú cho những người tình cờ ghé thăm blog, thậm chí bình luận cho các suy nghĩ của bạn.
- Tập luyện viết lách. Đọc và viết là hai mặt của một đồng tiền. Khả năng viết tốt, thậm chí bắt chước phong cách viết văn mà bạn yêu thích là một bài thực hành tốt. Nó còn đòi hỏi bạn phải trở thành người biên tập cho chính mình khi đọc lại những gì đã viết để đảm bảo chất lượng và độ chính xác của bài viết.
-
Học đọc bằng ngôn ngữ khác. Nếu đã thích thú với việc đọc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn hãy thử chọn học một ngôn ngữ mới. Bạn có thể bắt đầu đọc với ngôn ngữ mới bằng cách:
- Mua từ điển về ngôn ngữ đã chọn. Tìm ở thư viện hoặc mua ở hiệu sách.
- Bắt đầu học bằng sách dành cho trẻ em. Sách cho trẻ nhỏ mới đi học thường gồm các đoạn đơn giản, dễ hiểu, dùng từ vựng cơ bản liên quan đến những sự kiện trong đời sống thông thường và dễ dịch. Bắt đầu từ mức cơ bản là cách để bạn chuẩn bị cho các bài đọc cao hơn.
- Chọn bản dịch thơ. Chọn một bài thơ nổi tiếng của ngôn ngữ bạn đã chọn để học và tìm sách có bản gốc của ngôn ngữ đó, đồng thời tìm bản dịch ra tiếng mẹ đẻ. Đọc chậm và cẩn thận, so sánh bản dịch và bản gốc. Xem các khái niệm được dịch ra kèm theo ngôn ngữ được sử dụng để diễn tả các khái niệm đó. Đó là một cách hiệu quả để bạn không chỉ hiểu được một ngôn ngữ mới mà còn biết thêm một nền văn hóa mới.
Nguồn: wikihow.vn
Bình luận